Vào mùa này, những bó rau ngót rừng xanh non mơn mởn buộc trong những tàu chuối được bà con bày bán đầy chợ. Không biết tự bao giờ, rau ngót rừng đã trở thành món ăn quen thuộc của người dân và trở thành vị thuốc quý.
Rau ngót rừng không phải là loại cây nhỏ, thân bụi như rau ngót nhà. Cây ngót rừng thuộc họ thân gỗ, mọc tự nhiên trên vùng núi đá. Cây ngót cao hơn đầu người, cành lá sum sê. Cuối mùa đông cây ngót rụng hết lá già, mùa xuân, khoảng tháng 2, cây bắt đầu ra những đọt lá non đầu tiên và đến tháng 3 tháng 4 là mùa thu hoạch ngọn, lá và cả những chùm hoa. Rau ngót nhà thời điểm này cũng vào mùa xanh tốt được trồng chủ yếu làm giậu quanh nhà.
Rau ngót rừng không phải chế biến cầu kỳ, chỉ cần tuốt lấy những đọt lá non, rửa sạch, vò qua rồi thả lá ngót vào nấu canh, thêm ít gia vị là có một món canh với vị ngọt đậm đà tự nhiên. Rau ngót rừng không chỉ là món ăn ngon mà còn bổ dưỡng, tốt cho sức khỏe nhất là đối với phụ nữ mang thai. Từ xưa, các cụ đã coi rau ngót không chỉ là một món ăn thông thường, mà còn có tác dụng chữa dị ứng, chữa đổ mồ hôi trộm, chứng đái dầm ở trẻ em…
Theo lương y Luân Quốc Tuấn, người đã học Đông y lâu năm ở Trung Quốc thì rau ngót rừng hay rau ngót nhà đều có những công dụng kỳ diệu. Đây là vị thuốc dễ trồng và dễ sống nhất. Lá rau ngót có vị bùi ngọt, tính mát, rễ vị hơi ngăm đắng. Theo Đông y, lá và rễ rau ngót đều có tác dụng mát huyết, hoạt huyết, lợi tiểu, giải độc. Khi bị nhiệt do bia, rượu, chỉ cần giã khoảng 40g rau ngót chắt lấy nước uống trong khoảng hai ngày sẽ giảm hẳn. Lá rau ngót còn chữa sởi, ho, viêm phổi, sốt cao, đái rắt, tiêu độc… Rễ rau ngót rửa sạch, giã nát ép lấy nước uống trong ngày có tác dụng lợi tiểu, thông huyết, kích thích tử cung co bóp.
Nhân dân ta thường dùng rau ngót chữa sót nhau thai cho các sản phụ sau đẻ hoặc sảy thai… Theo nghiên cứu, trong 100g rau ngót có chứa tới 0,08g chất béo, 9g đường, 503mg ka-li, 15,7mg sắt, 13,5mg man-gan, 0,45mg đồng, 85mg vitamin C, 0,033mg B1, 0,88mg B2… Rau ngót rất giàu đạm nên được khuyên dùng thay thế đạm động vật nhằm hạn chế những rối loạn chuyển hóa can-xi gây loãng xương và sỏi thận. Với những thành phần trên, rau ngót được khuyên dùng cho người muốn giảm cân và người bị tăng huyết áp.
Ngoài ra, rau ngót còn chữa trẻ bị tưa lưỡi bằng cách giã nát lá rau ngót tươi sạch, vắt lấy nước rồi hòa với mật ong thấm vào bông hoặc miếng gạc sạch chà lên lưỡi, lợi và vòm họng trẻ, chỉ hai lần là trẻ có thể bú lại được bình thường.